Trong những lễ đưa tang ở Việt Nam hiện nay, không khó để bắt gặp hình ảnh người ta vừa đi vừa rải vàng mã hay những tờ tiền thật ở dọc đường. Đây là chuyện được xem là bình thường, nhưng phía sau lại ẩn chứa những điều “bất bình thường” cần được đánh giá dưới những góc nhìn đa diện.
1. Góc nhìn văn hoá tâm linh
Tục lệ rải tiền trong đám ma xuất phát từ quan niệm rằng ở nơi ngã ba, ngã tư đường, nơi cầu cống, đình, đền, chùa thường có vong linh chưa được siêu thoát, không ai thờ cúng nên họ rất đói khát, rất dễ gây hại cho người khác. Do vậy, cần rải tiền, vàng, gạo để họ không quấy nhiễu người trên dương thế.
Bên cạnh đó, người ta cũng có quan niệm làm vậy thì ma quỷ sẽ không bắt nạt linh hồn người vừa khuất, cũng là để đánh dấu cho vong hồn người mất biết đường để về nhà.
Đây là một quan niệm xuất phát từ sự tâm linh của người Việt Nam, với tâm niệm mong người mất được an yên nơi chín suối, không trở thành cô hồn lưu lạc, không chỗ nương thân. Đây đều là những tình cảm đáng quý!
Thế nhưng quan niệm này có phải là sự thật?
Những tư tưởng trên được cho là bắt nguồn từ Phật giáo. Tuy nhiên, Phật giáo dạy cho con người ta sự tiết kiệm và phù hợp, tránh phung phí, bày vẽ, chứ không dạy đốt tiền, vàng mã dành cho người mất.
Thầy Thích Viên Khương, quản lý tháp cốt tại chùa Vĩnh Nghiêm TP.HCM, giải thích: “Khi chúng sinh đã thác, qua bờ bên kia rồi, những người thân của họ chưa ngộ được chuyện sinh lão bệnh tử nên làm một số chuyện chưa thích hợp. Ví dụ như chuyện đốt hay rải tiền, vàng mã trên đường đưa linh cữu người thân đi chôn, hỏa táng là việc hoàn toàn không đúng, chỉ mang tính tự phát.
Điều này chỉ gây hao tốn tiền của cho phật tử, làm mất mỹ quan môi trường xung quanh. Giáo lý nhà Phật không dạy người dân phải đốt hay rải tiền, vàng mã”. Thầy nói: “Với tư cách là một người tu hạnh đạo pháp, tôi xin khẳng định chưa bao giờ Đức Phật dạy chúng ta phải đốt hay rải tiền, vàng mã cho người thân đã thác cả”.[1]
Như vậy, đạo Phật chưa bao giờ khẳng định việc rải tiền khi đưa tang sẽ có những tác dụng như người ta vẫn hằng tâm niệm. Có chăng, thứ an yên ở đây không phải là vong linh của người mất mà chính là suy nghĩ của người đang sống. Có thể khẳng định, đây không phải là tập tục của người Việt mà xuất phát từ một bộ phận người “phú quý sinh lễ nghĩa”, gán cho nó những ý nghĩa sâu xa và sau đó khi nhiều người làm theo đã “được” xem là văn hoá và tín ngưỡng.
2. Góc nhìn môi trường – xã hội
Việc rải tiền một cách bừa bãi – theo một lẽ tất nhiên sẽ khiến mất mỹ quan đường làng, phố thị. Chưa có nghiên cứu cụ thể rằng việc rải tiền sẽ chiếm bao nhiêu % trong những nguyên nhân làm ô nhiễm môi trường, và chúng ta đều cho rằng nó cũng chả đáng là bao so với những nhà máy xả nước thải ra môi trường, hay số lượng nhựa khổng lồ mà con người sử dụng hàng ngày. Thế nhưng, chúng ta cũng không thể phủ nhận tác hại của nó.
Bên cạnh đó, việc rải tiền thật trong đám ma là một sự lãng phí. Cho dù gia đình giàu có đến đâu thì tiền bạc cũng là do công sức lao động và xây dựng, huống chi âm – dương cách biệt, người âm sẽ chẳng bao giờ nhận được những tờ tiền đó. Việc rải tiền thật ra đường cũng như rải mồ hôi công sức và thành quả lao động của mình vậy!
Nhưng nguy hiểm hơn, việc rải tiền thật còn nên sự hỗn loạn cùng những nguy hiểm khó lường. Có những người bất chấp xông ra đường nhặt tiền gây cản trở giao thông và thậm chí là ảnh hưởng đến tính mạng. Đó là trường hợp một cậu bé bị cuốn vào gầm xe ben chỉ vì mải nhặt tờ tiền mệnh giá 5.000 đồng rải từ đám ma vừa đi qua trên Quốc lộ 39 – đường từ TP Thái Bình đi huyện Tiền Hải. Đáng tiếc rằng những trường hợp như thế này không phải là chuyện hiếm thấy.
3. Góc nhìn pháp luật.
Việc rải tiền thật là xâm phạm đến tiền tệ Việt Nam, cho dù là những mệnh giá nhỏ như 1000 đồng, 2000 đồng, 5000 đồng thì trên đó cũng có quốc huy Việt Nam và được pháp luật Việt Nam bảo hộ.
Theo Khoản 2 Điều 3 Quyết định 130/2003 của Thủ tướng Chính Phủ, một trong những hành vi bị nghiêm cấm là: “Hủy hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào.”
Tại Điểm e Khoản 1 Điều 10 Thông tư 04/2011/TT-BVHTTDL cũng quy định: “Cấm rải tiền Việt Nam và các loại tiền của nước ngoài trên đường đưa tang”.
Vậy hành vi rải tiền trong đám tang có thể bị xử phạt như thế nào?
Hành vi này có thể bị phạt từ 10 đến 15 triệu đồng theo quy định tại Khoản 3 Điều 31 Nghị định 88/2019/NĐ-CP: “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật.”
Vậy câu hỏi đặt ra là, tại sao cho đến nay số lượng người bị xử phạt là không nhiều?
Mặc dù đây là hành vi vi phạm pháp luật, nhưng lại là hình thức đã tồn tại từ rất lâu nay và nhiều người xem như là một hoạt động bình thường, là “nghi thức” bắt buộc phải có trong các lễ đưa tang. Nhiều cán bộ trong các cơ quan có thẩm quyền cũng không nắm bắt được nội dung quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, trong lúc gia đình đang có chuyện buồn rằng người thân qua đời, việc xử phạt dễ dẫn đến những bức xúc và bất bình không đáng có, nên dẫn đến tâm lý e ngại và không dám xử phạt.
Một tín hiệu đáng mừng là UBND thành phố Đà Nẵng đã có công văn đề nghị Công an Thành phố kiểm tra, ghi hình và áp dụng biện pháp chế tài để xử phạt các cơ sở dịch vụ mai táng rải tiền, vàng mã khi đưa tang. Lãnh đạo TP Đà Nẵng yêu cầu các sở, ngành liên quan tuyên truyền chủ trương không rải tiền, vàng mã đến người dân. Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP phối hợp với các xã phường vận động người dân “không rải vàng mã khi đưa tang, thực hiện hỏa táng”.[2]
Đã đến lúc người ta cần nhìn nhận một cách đúng đắn và thẳng thắn rằng đâu là những tín ngưỡng tốt đẹp, và đâu là những hủ tục cần phải loại trừ. Đây hẳn là một quá trình dài hơi và tốn nhiều công sức. Bởi những gì liên quan tới tín ngưỡng, thói quen và văn hoá luôn vấp phải ý kiến trái chiều và cả những phản ứng tiêu cực của một bộ phận người dân.
[1] https://bom.so/fUScV1
[2] http://www.hanoimoi.com.vn/ban-in/Xa-hoi/821304/da-nang-ghi-hinh-de-xu-phat-dam-tang-rai-vang-ma