Vẫn còn kịp…

Hà Cảnh – MC nổi tiếng Trung Quốc đã từng cho ra mắt một quyển sách mang tên “Vẫn còn kịp”. Cả quyển sách ngập tràn hơi thở thanh xuân, nhưng chính cái tên lại mang đến cho tôi một niềm trăn trở: liệu mọi thứ trên đời đều có thể dùng câu “vẫn còn kịp” để tự an ủi mình hay sao? 

Mai là 100 ngày kể từ ngày bà ngoại tôi qua đời. Một buổi tối tháng 7, tôi vừa đi nhổ răng về, hơi hơi sốt. Mẹ gọi, cố kìm nén sự nghẹn ngào: “bà yếu lắm rồi con ạ”. Tôi vội vàng đặt chuyến bay sớm nhất, lúc hơn 5h sáng hôm sau. Mẹ cũng bảo hay thôi khoan hẵng về, nhưng tôi nhất định phải về, chính là vì sợ không còn kịp nữa.

Ngoại tôi đã 90, già yếu cũng lâu rồi. Ngoại yếu đến mức chẳng còn nhận ra tôi là ai nữa. Hồi trước, lúc còn khoẻ, đứa bạn thân của tôi đến thăm, ngoại còn vui vẻ “khoe” về cô cháu gái học trường Luật, “nó giỏi lắm”. Lúc các dì bạn mẹ tôi tới chơi, ngoại còn kể không biết bao nhiêu lâu về mẹ tôi, về bác tôi, về những ngày ngoại gặp ông lúc đang còn trẻ.

Hồi trước, mỗi lần tôi về quê chơi, ngoại cứ lặp lại điệp khúc như thế này:

“Bây giờ con về bà còn ở đây, lần sau về không biết bà có còn nữa không?”

Hoặc là: “bà chỉ mong sống được đến lúc con lên cấp 2”, “chỉ mong sống đến lúc con lên cấp 3”, “chỉ mong sống đến lúc con vào đại học”, “chỉ mong sống đến lúc con đi lấy chồng”…

Mỗi lần như thế, tôi đều bảo rằng ngoại sẽ sống thật lâu thật lâu. Nhưng khi ngoại vẫn lặp lại những điều ấy, tôi đi … mách mẹ. Mẹ tôi nửa đùa nửa trách ngoại, rằng cứ nghĩ đến lúc ra đi làm gì.

Ấy thế mà, mấy năm gần đây, ngoại yếu đi trông thấy. Chẳng có gì tàn phá con người bằng cái bệnh tuổi già. Người ngoại gầy sọp đi, chỉ có da bọc xương, nói cũng không thành tiếng. Thần trí ngoại còn tỉnh hơn cơ thể đang sắp lụi tàn.

Tết 2022, mặc dù chưa đến lúc thích hợp, nhưng tôi đưa người yêu về thăm ngoại, cũng chính là bởi biết rằng thời gian chẳng còn bao nhiêu nữa. Lúc nghe mẹ tôi giới thiệu anh với ngoại, tôi không kìm được nước mắt. Cháu gái yêu của ngoại đã trưởng thành rồi, cũng sẽ có người yêu thương và chăm sóc, nhưng không biết rằng ngoại có nghe thấy không? Nếu nghe, ngoại có yên lòng hay không?

Lúc trước, tôi gửi một chút về bồi bổ cho ngoại. Bác tôi nói con đi làm đâu được bao nhiêu tiền, để lúc nào nhiều tiền thì gửi. Tôi bảo sau này tôi giàu sẽ đưa bác vào Nam chơi thoải mái, nhưng ngoại thì không chờ được cho đến lúc đấy. Chúng tôi đều hiểu rằng, không có cái gọi là “vẫn còn kịp nữa”.

Ngày hôm đó tôi về, ngoại bắt đầu đỡ hơn đôi chút. Họ hàng, làng xóm lần lượt tới thăm. Tôi hiểu rất rõ điều gì đang đến, và sẽ đến. Nhưng thật lòng mà nói, đó là những ngày tâm hồn tôi nhẹ nhàng hơn bao giờ hết. Tôi vẫn luôn tự hào vì ngoại tôi là một người mẹ, người bà tuyệt vời, và cũng là một nữ chiến sĩ anh hùng. Tôi vẫn thường khoe với mọi người về việc ngoại tôi từng được đại diện lên tặng hoa cho Bác Hồ, về những huân huy chương rực rỡ… Ngoại tôi có một tuổi trẻ đầy sức sống, một tình yêu bền chặt với ông, những đứa con đã trưởng thành, những đứa cháu ngoan ngoãn. Ngoại đã sống một đời phẩm hạnh và trọn vẹn.

Tối hôm đó, như một thứ linh cảm, tôi kiên quyết túc trực bên giường ngoại, mặc cho các bác liên tục bảo tôi đi ngủ đi. Đó là lần đầu tiên tôi chứng kiến phút lâm chung của một người. Ngoại tôi đi nhẹ nhàng và bình yên, có lẽ chính cuộc đời cũng muốn vỗ về giây phút cuối cùng của một người tuyệt vời như ngoại.

Tôi lẳng lặng cầm điện thoại nhắn một dòng “bà em đi rồi”. Kể từ giây phút đó, ông bà tôi đã không còn trên cuộc đời này nữa.

Tôi vẫn thường bảo anh rằng, hãy cố mà quan tâm đến ông bà của anh, cho dù có bất kỳ mâu thuẫn hay sự trái ý nào đi chăng nữa. Ví như tôi đây, lúc bản thân nhận ra nhiều điều, thì tôi lại không còn cơ hội. Tôi không thể mua cho ngoại tôi đồ ăn ngon, vì lúc đó ngoại tôi chẳng ăn uống được gì. Nếu lúc đó tôi có nhiều tiền, ngoại tôi cũng chẳng thể kéo dài thêm được bao lâu nữa. Nhưng ít nhất, tôi thấy mình đã kịp làm những thứ mà mình có thể làm.

Bởi chúng ta còn trẻ, nên chúng ta cho rằng mọi thứ “vẫn còn kịp”. Bài tập hôm nay không làm thì ngày mai làm, thể dục hôm nay không tập thì ngày mai tập, lời yêu thương hôm nay không nói thì ngày mai nói. Bởi chúng ta cho rằng mọi thứ vẫn cứ ở đó, vẫn mãi chờ chúng ta.

Thế nhưng, bài tập nào cũng có kỳ hạn phải nộp, sức khoẻ nào cũng sẽ có lúc ốm đau, con người nào rồi cũng sẽ trải qua sinh lão bệnh tử ở đời. Chẳng có điều gì đứng một chỗ để chờ chúng ta mãi cả.

“Vẫn còn kịp” âu cũng chỉ là một lời an ủi. Chúng ta tự khích lệ bản thân rằng nếu như chúng ta bắt đầu, thì tất cả đều vẫn kịp.

Điều này đúng, nhưng chỉ đúng khi chúng ta chịu bắt đầu!

Tái bút: Thương tặng ngoại, người mà con vô cùng kính yêu. Mẹ con vẫn bảo rằng sao thời gian trôi nhanh đến thế, ngoại mới đi đây mà. Thời gian sẽ chạy thật nhanh, thật nhanh, nhưng ngoại và ông vẫn còn đó, trong những trái tim đầy yêu thương của chúng con!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *