MÌNH ĐÃ ĐẠT ĐIỂM 10 KHOÁ LUẬN TỐT NGHIỆP NHƯ THẾ NÀO?

Mình là Linh Trang, cựu sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội. Điểm 10 khoá luận tốt nghiệp đã giúp ích cho mình rất nhiều để đạt được bằng Giỏi, nên mình hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho những bạn đang cần.

Bí kíp 1: Nghe ngóng thật nhiều

Thứ nhất, nghe ngóng về giảng viên hướng dẫn. Trong mỗi trường sẽ có những thầy cô vô cùng giỏi và nhiệt tình, tâm huyết với sinh viên. Những thầy cô như vậy thường được “đặt gạch” từ rất sớm (mình đặt vấn đề với giáo viên hướng dẫn của mình trước khoảng nửa năm)

Thứ hai, nghe ngóng về phong cách chấm điểm của mỗi bộ môn. Mỗi bộ môn thường có phong cách chấm điểm khác nhau, có môn sẽ yêu cầu cao về slide, nhưng môn khác sẽ chú trọng phần thuyết trình hoặc phần trả lời câu hỏi. Do đó, hãy hỏi các anh chị đi trước và cả các thầy cô về yêu cầu của mỗi bộ môn. Điều này không chỉ giúp bạn chọn được môn phù hợp mà còn giúp buổi bảo vệ của bạn thành công hơn.

Bí kíp 2: Chủ động tương tác

Đôi lúc chúng ta ngại ngùng và rụt rè với giáo viên hướng dẫn, nhiều điều băn khoăn nhưng không dám hỏi nên kết quả không được như mong đợi.

Mình cố gắng giữ mối liên hệ với giáo viên hướng dẫn từ sớm, và ngay sau khi chốt được đề tài, mình đã lên dàn ý gửi cho cô để cô góp ý. Thật sự thì trong suốt mấy tháng làm bài, mình không trao đổi nhiều với cô (vì mình ngại và lười) nhưng trong khoảng 2 – 3 tuần cuối thì mình chủ động hỏi cô về những vấn đề mình còn “lấn cấn”. Cô cũng rất nhiệt tình sửa bài cho mình (có hôm 6h sáng cô đã gửi mail cho mình).

Bởi vì cái sự lười nên thời gian cuối mình rất là mệt, do đó các bạn nhớ tương tác đều đặn với giáo viên hướng dẫn, tránh trường hợp hạn nộp cận kề mà giáo viên lại đi công tác/ốm đau… thì sẽ rất thiệt thòi.

Bí kíp 3: Sử dụng tài liệu một cách … sáng tạo

Ở mức độ khoá luận tốt nghiệp thì không yêu cầu chúng ta nghiên cứu quá chuyên sâu hay mới mẻ về một vấn đề nào đó, do đó hầu hết những thứ chúng ta cần đều có sẵn. Nhưng để đạt điểm tuyệt đối, bạn cần

  • Kiểm tra nguồn tài liệu tham khảo trước khi chọn đề tài
  • Ý của người khác nhưng giọng văn thì phải là của mình
  • Sử dụng nhiều nguồn tài liệu khác nhau, không chỉ của trường bạn mà của trường khác nữa
  • Sử dụng những số liệu mới nhất
  • Lấy các ví dụ thực tế trên báo đài để minh hoạ

Bí kíp 4: Viết nội dung trước, mở đầu và kết luận sau

Để tránh trường hợp mất quá nhiều thời gian cho phần mở đầu thì tốt nhất hãy viết phần nội dung trước. Trong quá trình đó, bạn đã nắm vững được nội dung chi tiết của đề tài nên khi quay lại việc phần mở đầu thì bạn cũng có nhiều ý tưởng và hệ thống nội dung mượt mà hơn.

Bí kíp 5: Chú ý phần hình thức

Nghe có vẻ cơ bản nhưng mình thấy nhiều bạn lại bỏ qua phần này. Những lỗi hình thức rất nhỏ nhưng có thể khiến cho giảng viên khó chịu khi chấm bài. 

Bên cạnh đó, hãy chú ý phần footnote và Danh mục tài liệu tham khảo. Hãy liệt kê đúng theo quy chuẩn để có một bài làm chuyên nghiệp hơn nhé!

Bí kíp 6: Tự tin phản biện và nêu quan điểm

Thầy cô là những người nhiều kinh nghiệm nhưng không phải lúc nào cũng đúng. Do đó nếu trong buổi bảo vệ, thầy cô đưa ra những quan điểm mà bạn cho là không phù hợp thì cũng hãy tự tin chia sẻ quan điểm của bạn với thái độ cầu thị và hoà nhã. Đó biết đâu là điểm cộng cho bạn.

Trong buổi bảo vệ, mình đã chia sẻ về kinh nghiệm thực tế của mình để chứng tỏ điều thầy nói không áp dụng trong tất cả trường hợp. Lúc đó mình cũng hơi run nhưng điểm 10 đã về tay mình rồi nè!

Chúc mọi người có một kết quả thật hoàn mỹ nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *