BẰNG GIỎI KHÔNG KHÓ NHƯ BẠN TƯỞNG

BẰNG GIỎI KHÔNG KHÓ NHƯ BẠN TƯỞNG

Mình là Linh Trang, Cựu sinh viên K42 Trường Đại học Luật Hà Nội. Hồi kết thúc năm 2 đại học, GPA của mình là 3.02. Để đạt được bằng Giỏi, tính “sương sương” thì từ năm 3 trở đi, điểm trung bình mỗi tín chỉ của mình phải là 3.4. Với mình, 3.4 là một con số khó khăn, nhưng vì muốn được bằng Giỏi, nên mình đã cố gắng để đạt được. Mình tốt nghiệp với GPA 3.3 – bằng Giỏi. Và sau đây là những kinh nghiệm của mình:

THỨ NHẤT, TẬN DỤNG TỐI ĐA TÍN CHỈ THỰC TẬP + KHOÁ LUẬN TỐT NGHIỆP

Năm mình học thì trường mình không bắt buộc thực tập và viết khoá luận tốt nghiệp. Nhưng mình biết khả năng đạt 4.0 của những tín chỉ này là khá cao, nên mình đã cẩn thận theo dõi để đăng ký. Vậy là mình đã có 14 tín chỉ đạt điểm 4.0

THỨ HAI, CÂN NHẮC VỚI CÁC TÍN CHỈ KHÓ NHẰN

Có những môn học mà theo “tương truyền” là rất khó học và khó đạt điểm cao, thậm chí điểm rất thấp. Những môn này rất có thể sẽ kéo GPA của mình xuống mức thấp hơn. Do đó, sau khi cân nhắc và thấy môn học đó không quá cần thiết, mình đã huỷ đăng ký học môn đó (môn tự chọn). Do đó, mình tránh được nguy cơ bị hạ GPA.

THỨ BA, ĐĂNG KÝ THÊM TÍN CHỈ

Bên cạnh huỷ tín chỉ khó thì bạn có thể đăng ký thêm những môn học dễ dàng hơn. Hãy nghe ngóng từ các bạn và các anh chị khoá trước để biết môn nào dễ được điểm cao, từ đó nâng GPA lên.

THỨ TƯ, TÍNH TOÁN KỸ VIỆC HỌC LẠI/THI LẠI

Ưu điểm: giúp bạn nâng GPA lên. Có lần thi vấn đáp đạt điểm không cao, mình đã xin giảng viên chấm cho mình 0.5đ để mình có thể thi lại, mong lần sau điểm sẽ cao hơn. Tất nhiên cách này không thể áp dụng với mọi học phần

Nhược điểm: Theo quy định thì nếu GPA đủ điểm đạt bằng Giỏi/Xuất sắc nhưng nếu thi lại/học lại quá 5% tổng số tín chỉ thì sẽ bị hạ bằng. Nên bạn phải xác định tối đa bạn có thể học lại/thi lại bao nhiêu tín chỉ.

THỨ NĂM, XUẤT SẮC THÌ RẤT KHÓ, NHƯNG ĐẠT ĐIỂM TỐT THÌ KHÔNG KHÓ ĐẾN THẾ

Mình nghĩ là đa số chúng ta không đạt điểm tốt thời sinh viên là do chúng ta …lười. Kể từ khi có quyết tâm lấy bằng Giỏi, mình đã cố gắng nghe giảng, ghi chép, lên thư viện và ôn thi kỹ càng hơn.

Mình khẳng định là mình vẫn lười thôi, những bớt đi một chút. Nên mình tin rằng nếu chúng ta thật sự cố gắng thì có thể đạt điểm tốt trong các kỳ sau.

Bên cạnh đó, năm nhất năm hai thường là các môn lý luận, đại cương, Triết học … nên phổ điểm chung sẽ không cao. Các môn học sau đó sẽ theo chuyên ngành và thường thì khả năng đạt điểm cao sẽ nhiều hơn. Vậy nên đừng bỏ cuộc nhé!

Cuối cùng, mình muốn nói rằng bằng Giỏi, Khá hay Trung bình cũng chỉ là bằng cấp, nó không quyết định bạn là ai, cũng không thể nhìn vào tấm bằng để đánh giá cả một con người. Nếu bạn thật sự thích một môn học nào đó, không nhất thiết phải huỷ nó đi chỉ vì bạn muốn được bằng Giỏi.

Mình mong rằng Đại học đối với bạn là một chặng đường thật giá trị – bởi những kỷ niệm và trải nghiệm, chứ không phải là một cuộc chạy đua bằng cấp.

Chúc bạn có những năm tháng thật vui ở giảng đường!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *