THỰC TẬP Ở TOÀ ÁN – NƠI GIÚP CÁ MỞ MANG

“Thực tập ở Toà chán lắm, toàn bưng trà rót nước thôi!”

“Sinh viên đi thực tập cũng chỉ làm mấy việc lặt vặt thôi!”

“Kỳ thực tập ngắn thế thì cũng chả học hỏi được gì!”

“Không định vào làm Nhà nước thì đừng có đi thực tập ở Toà”

Đó là những điều mình đã nghe được về kỳ thực tập 5 tuần ở Toà án. Ở khoá của bọn mình, thực tập không phải là điều kiện bắt buộc và thời gian thực tập cũng chỉ có 5 tuần ngắn ngủi. Cho dù trong tương lai gần không có ý định làm việc trong Cơ quan Nhà nước nhưng mình vẫn chọn Toà án huyện quê mình để thực tập. Và kết quả là mình nhận được một lượng kiến thức và kỹ năng siêu to khổng lồ!

1. Được xem các phiên toà ở mọi lĩnh vực khác nhau

Ở Toà dĩ nhiên sẽ có đủ các vụ việc dân sự, hành chính, hình sự, vậy nên đây là một cơ hội tuyệt vời để được tham dự các phiên toà và quan sát từng vị trí tố tụng.

Thời sinh viên, chúng ta không dễ để biết được lịch xử của các Toà án và việc sắp xếp thời gian để tới xem cũng khá khó khăn. Những phiên toà giả định cũng sẽ có dăm ba phần không sát với thực tế nên việc tham gia phiên toà là cách vô cùng tốt để sau này không bị “ngợp” khi tự đứng trên một phiên toà thật sự.

2. Biết được quy trình tố tụng từ đầu đến cuối

Một trong những điểm yếu của nhiều Luật sư là tố tụng, bởi công việc của một Luật sư thiên nhiều về nội dung và tính chất vụ việc. Trong nhiều vụ án, những điểm sai sót về tố tụng lại là điều giúp “lật ngược thế cờ”.

Không ai nắm rõ được quy trình Tố tụng bằng Thư ký và Thẩm phán. Vậy nên, tranh thủ lúc ở Toà để nắm bắt thì sau này dù có làm ở ngoài cũng đỡ mệt hơn rất nhiều. Đây chính là một vũ khí hữu hiệu, biết đâu trong tương lai chúng ta sẽ dùng những kiến thức này để “cãi” lại chính Thư ký và Thẩm phán đó =))))

Ví dụ như với các yêu cầu bồi thường thiệt hại thì trong đơn phải nói rõ số tiền là bao nhiêu (để Toà án còn tính tạm ứng án phí), điều này trong luật không hề quy định rõ nên rất rất nhiều bạn đã đi làm luật rồi nhưng vẫn bị yêu cầu sửa đổi, bổ sung.

3. Được tiếp xúc với nhiều cơ quan khác nhau

Mỗi vụ án không chỉ Toà án và đương sự làm việc với nhau đâu mà tuỳ tính chất thì sẽ có sự tham gia của Viện kiểm sát, Cơ quan Thi hành án, UBND các cấp, các Bộ, Ngành…

Còn nhớ lần đầu tiên mình qua trại giam, các anh thấy mình trẻ nên trêu quá trời, ban đầu mình cũng ngại nhưng các anh luôn nhiệt tình hỗ trợ.

Một điều hay ho nữa là sau này dù không còn thực tập, nhưng mình vẫn giữ contact của mọi người và khi có việc gì cần hỏi thì mọi người giải đáp rất nhiệt tình. Đây là một cách để có những mối quan hệ chất lượng trong nghề đó!

4. Tinh thần chỉn chu trong từng điều nhỏ nhất

Hồi đầu mới thực tập, mình hoa mắt chóng mặt với từng số bút lục, có những quyết định mà riêng việc dò ngày tháng năm sinh, họ tên của đương sự thôi cũng mất nửa ngày trời. Thế nhưng, những điều này giúp mình cẩn thận hơn với từng điều nhỏ nhất, và cũng nhận biết được rằng đâu là chỗ mình dễ mắc sai lầm nhất.

Vậy nên, cho dù được các anh chị ở Toà nhờ đánh số bút lục hay gõ lại văn bản trong nhiều ngày liền thì cũng đừng nản chí. Việc đánh số bút lục giúp chúng ta tìm được cách xếp hồ sơ vụ án một cách khoa học – một kỹ năng vô cùng hiệu quả khi đi làm.

VÀ SAU ĐÂY LÀ MỘT SỐ TIPS MÀ MÌNH TIN LÀ KHÁ HỮU ÍCH KHI ĐI THỰC TẬP Ở TOÀ:

Thứ nhất, vui vẻ và hoà đồng, chủ động hỏi mọi người có cần mình phụ gì không. Chủ động xin tham dự các phiên toà, đi lấy lời khai, đi làm việc với các cơ quan khác để xin kinh nghiệm.

Thứ hai, nếu có thời gian thì hãy chăm đọc hồ sơ ở Toà. Chúng ta sẽ nắm được quan điểm, tinh thần của Toà án và nếu may mắn thì còn biết được thêm những hướng dẫn trong nội bộ ngành Toà án nữa đó. Mấy văn bản này không phải cứ google là có được đâu.

Thứ ba, đừng “chê” những công việc nhàm chán. Những Thẩm phán, kể cả Chánh án đã, đang và vẫn làm những việc tưởng chừng chỉ mất thời gian đó. Trong từng khâu cho dù nhỏ bé, chỉ cần chịu khó quan sát chúng ta vẫn có thể học được nhiều điều.

Hy vọng là những điều này giúp các bạn có nhu cầu thực tập tại Toà án sẽ không lo sợ quá nhiều trước khi bước vào kỳ thực tập!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *