HỌ GỌI MÌNH LÀ NGƯỜI “MẤT GỐC”



Bức ảnh chụp tại Trường THPT Bắc Yên Thành – ngôi trường cấp 3 của mình trên mảnh đất Nghệ An đầy nắng!

“Ủa, vậy là em mất gốc rồi”

Tháng 3/2021, mình có việc vào Thành phố Hồ Chí Minh, khoảng chừng một tuần. Mình có book một cuốc xe Grab để tới Vincom. Anh lái xe là một người khá thân thiện, sau khi trò chuyện vài câu, anh hỏi: “Em quê ở đâu?”. – “Em quê Nghệ An ạ” – Mình đáp.

“Ủa, vậy là em mất gốc rồi”.

Mình cũng từng nghe những câu tương tự như vậy trước đây. Chỉ vì một lý do đơn giản: mình nói giọng Bắc.

Mình là đứa con của mảnh đất Nghệ An, từ nhỏ đến lớn mình đều gắn bó với Nghệ An, dăm ba lần ra Bắc vào Nam du lịch không thể làm sai lệch đi chất giọng vùng miền đặc sệt của mình. Năm 2017, mình từ Nghệ An ra Hà Nội nhập học, và mình tập nói giọng Bắc từ đó.

Không biết bạn đã bao giờ chứng kiến cảnh một người bạn câu trước nói giọng Bắc, câu sau nói giọng Trung ngay chưa. Đó đôi khi là một chút niềm tự hào của những người con miền Trung như bọn mình, chính là khả năng thích nghi và thay đổi giọng nói.

Nhưng đôi khi, cũng không phải là một câu chuyện dễ dàng…

Còn nhớ những ngày đầu tiên ra Hà Nội, mình ở kí túc xá với 5 người bạn khác, cả 5 đều quê miền Bắc. Một ngày mình chỉ mở miệng nói dăm ba câu, vì mình ngại. Cái cảm giác khi mà mình nói một câu các bạn phải hỏi lại vài lần mới hiểu, nó lạ lắm. Nhưng đến ngày thứ ba, mình đã tập được cách nói giọng Bắc, mặc dù không chuẩn cho lắm, nhưng ít ra đủ để người đối diện hiểu mình nói gì. Cho đến ngày hôm nay, khi cần nói chuyện với các bạn không ở miền Trung, mình đều dùng giọng Bắc để giao tiếp.

Tại sao bọn mình phải thay đổi giọng nói?

Không phải để cho sang đâu, vì bọn mình cũng không ngại khoe chất giọng miền Trung đặc biệt. Tất cả những sự cố gắng bắt chước giọng vùng miền khác chỉ nhằm một mục đích: giao tiếp.

Đúng vậy đó, bọn mình muốn giao tiếp tốt hơn với mọi người xung quanh!

Khi cuộc trò chuyện chỉ có những người miền Trung với nhau, bọn mình sẽ nói giọng của quê bọn mình. Nhưng khi có thêm một số bạn từ các vùng miền khác, bọn mình sẽ nói giọng Bắc hoặc Nam – những giọng phổ thông hơn, để cho mọi người đều hiểu.

Với mình, đây là một cách để thể hiện sự tôn trọng với những người đối diện, bởi chắc hẳn không ai thích cảm giác như bị cho “ra rìa” chỉ vì không thể hiểu hết những người xung quanh đang nói gì.

“Cũng là tiếng Việt cả mà, có gì mà không hiểu!”

Ừm, lạ nhỉ!? Giọng Bắc, giọng Trung hay giọng Nam đều sử dụng tiếng Việt cả, tại sao lại không hiểu được?

Có một vài người đã dùng lời này như một câu “chất vấn” khi bọn mình không nói giọng miền Trung. Nhưng mỗi vùng quê là một chất giọng đặc trưng, chỉ cần để ý chút thôi là không thể nào lẫn lộn. Ngay như ở quê mình, 2 xã cách nhau có một bức tường, một con đường mà khi cất tiếng lên cũng đã khác nhau nhiều lắm.

Bên cạnh đó, mỗi vùng miền sẽ có một “bộ” từ ngữ riêng, hay được gọi là “từ địa phương”. Hẳn mọi người đã quá quen với việc đoán xem “mô”, “tê”, “răng”, “rứa” có nghĩa là gì? Những từ ngữ địa phương như vậy trở thành một nét đặc trưng độc đáo. Đôi khi chúng ta có thể đem chúng ra đùa, nhưng tuyệt nhiên không thể coi thường giá trị của nó.

Như vậy có nghĩa là không phải cứ nói tiếng Việt là ai ai cũng có thể hiểu. Có thể nói nhanh, có thể nói chậm, có thể nói “nuốt” từ, hoặc nhịp điệu, tông giọng, cách ngắt nghỉ, cách lên xuống … cộng thêm với những từ ngữ địa phương thì việc khó nghe, khó hiểu là chuyện thường thấy mà thôi.

Và cũng không dễ gì để nói giọng địa phương nhưng dùng toàn bộ từ phổ thông. Như mình đã nói, những từ địa phương dường như là một bản sắc không thể thiếu của mỗi vùng miền. Xã hội hiện đại, những người con ra đi tứ xứ đã dần sử dụng những từ ngữ phổ thông hơn, nhưng có những thứ không dễ gì thay đổi được.

Đôi khi, việc cố gắng dùng toàn bộ từ phổ thông khi nói giọng địa phương sẽ mang lại tác dụng phụ, đó là chất giọng lơ lớ, lai tạp. Thỉnh thoảng chất giọng này mang lại sự khó chịu (với mình), và có vẻ nó còn sát với từ “mất gốc” hơn là việc nói toàn giọng miền khác.



Bức ảnh mình chụp tại Trường Đại học Luật Hà Nội và Thảo Cầm Viên – thành phố Hồ Chí Minh!

Bắc, Trung, Nam một nhà!

Mình biết là câu này có vẻ không liên quan gì với mạch bài viết, nhưng mình muốn nói rằng cho dù là chất giọng ở đâu, cho dù có ở vùng miền nào thì chúng ta vẫn là những người con đất Việt!

Là một người con miền Trung, ra Bắc học tập rồi vào Nam lập nghiệp, mình thấu hiểu những sự khác biệt về con người, về văn hoá, về ẩm thực, về giọng nói. Những sự khác biệt đó không đáng để bị so sánh theo góc độ tiêu cực bởi chúng tạo nên sự đa dạng cho toàn bộ đất nước Việt Nam.

Từ ngàn đời nay, thích nghi là bản năng to lớn của con người. Có thích nghi mới có sự tồn tại và phát triển bền vững. Mỗi sự thay đổi là một sự nỗ lực, và chúng xứng đáng được ghi nhận.

Tái bút: Mình không biết thêm dăm ba năm nữa, mình sẽ nói tiếng miền Nam hay là chất giọng lai giữa cả 3 vùng miền. Nhưng việc được khám phá “một ngôn ngữ mới” cũng là một điều hay ho và thú vị đó nhỉ!?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *