KHI YÊU, HÃY NÓI VỚI NHAU VỀ SEX

Mình bắt đầu được tìm hiểu về giáo dục giới tính từ những năm 12 13 tuổi. Hồi đó, mẹ mua sách cho mình đọc. Quyển đầu tiên có tên “Nghe mẹ nói này, con gái”!

Với sự may mắn của một đứa được tiếp cận những thông tin này từ sớm, cùng với việc mình học luật, vốn đã quá quen với những chủ đề Hiếp dâm, Mại dâm… nên mình cũng chả ngại ngần tìm hiểu những thông tin về Sex. Từ năm đầu đại học, mặc dù chưa có người yêu, và cũng chưa muốn có người yêu lúc còn đang đi học, nhưng mình đã chủ động học hỏi, và trau dồi kiến thức về giới tính và tình dục. Bởi vì mình biết, KIẾN THỨC SẼ LÀ CHIẾC KHIÊN BẢO VỆ CHO MÌNH!

Những vấn đề về Sex thường được xem là câu chuyện tế nhị và ít được trao đổi một cách thẳng thắn. Nhưng đã đến lúc mà chúng ta cần công bằng hơn với Sex.

Sex, trong phạm vi bài viết này, là những vấn đề liên quan đến quan hệ tình dục như sự sẵn sàng, các biện pháp phòng tránh…

 

1. Những con số đáng báo động

Theo số liệu của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, trung bình mỗi năm cả nước có gần 300.000 ca nạo hút thai, chủ yếu ở độ tuổi 15 – 19, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên.

Đáng chú ý, tỷ lệ phá thai trên 12 tuần tuổi chiếm tới gần 80%. Trong khi đó, theo số liệu của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, 20-30% các ca phá thai là phụ nữ chưa kết hôn và 60 -70% là sinh viên, học sinh. [1]

Theo nghiên cứu của Viet Nam SDGCW 2020-2021 của Tổng cục Thống kê Việt Nam và UNICEF Việt Nam thì: 

  • Tỷ suất phá thai cao nhất ở Hà Nội: 196,9 trên 1.000 ca sinh sống. 
  • Tỷ suất phá thai ở vùng Đồng bằng sông Hồng là 127,5 trên 1.000 ca sinh sống. 
  • Tỷ suất phá thai ở phụ nữ có trình độ tiểu học (94,5 ca trên 1.000 ca sinh sống)
  • Tỷ suất phá thai ở dân tộc Kinh/Hoa (74 ca trên 1.000 ca sinh sống)
  • Tỷ suất phá thai ở khu vực nông thôn (75,8 trên 1.000 ca sinh sống) 
  • Tỷ suất phá thai ở nhóm có mức sống cao nhất (130,5 trên 1.000 ca sinh sống) 

Điều đó có nghĩa là việc hạn hẹp về kiến thức sẽ làm cho tỷ suất nạo phá thai ở mức cao, và ngay cả những người có mức sống cao, ở những vùng phát triển cũng không hẳn là biết cách tự bảo vệ mình.

Cũng theo nghiên cứu này, tỷ lệ nữ từ 15 – 19 tuổi đã kết hôn hoặc sống chung như vợ chồng tự quyết định về sử dụng biện pháp tránh thai chỉ là 25,5%. Đây là một con số quá thấp!

Nếu những con số này vẫn chưa đủ thức tỉnh, bạn có thể đọc thêm nghiên cứu này tại: https://rg.link/WCJAAzs

Một trang trong Viet Nam SDGCW 2020-2021

2. Chúng ta trao đổi những gì với nhau về SEX?

Có lẽ chúng ta được quyền nói với nhau tất cả những điều mà chúng ta muốn. Nên nhớ, là CHÚNG TA MUỐN, tức là cả bạn và người kia cũng vậy, không chỉ là mình bạn muốn.

Nhưng nếu như bạn chưa biết chắc rằng đối phương có sẵn sàng để nói hết tất cả hay không, vậy thì đây là một số vấn đề cơ bản nên thẳng thắn với nhau:

  • Cả hai đã sẵn sàng để quan hệ tình dục? Nếu chưa thì có một mốc thời gian nào cụ thể hay không? (Khi cả hai sống chung? Khi đã kết hôn với nhau?)

Mình nghĩ đây là một câu hỏi vô cùng quan trọng, khiến chúng ta hiểu rõ cảm xúc của đối phương. Mình biết nhiều trường hợp chia tay vì người yêu không đồng ý quan hệ tình dục. Như vậy, việc biết rằng đối phương đã sẵn sàng hay chưa giúp người còn lại không làm điều quá giới hạn để đổi lấy một sự tổn thương. 

  • Cả hai đã sẵn sàng có con vào thời điểm này hay chưa?

Tại sao phải hỏi câu hỏi này mà lại bỏ qua câu hỏi muốn hay không muốn trở thành gia đình của nhau. Vì kết hôn nhiều khi chỉ là một lời hứa hẹn, nhưng có con đồng nghĩa với rất nhiều trách nhiệm.

“Sẵn sàng” ở đây không phải là các bạn muốn có con hay chưa, mà là nếu có em bé, cả hai có thể đón nhận bằng một tinh thần tích cực hay không. 

  • Cả hai đã hiểu biết về các biện pháp an toàn khi SEX hay chưa?

Mình nghĩ đa số câu trả lời là rồi đấy nhỉ. Nhưng thực tế thì chưa chắc. Bạn biết rằng biện pháp an toàn nhất là dùng bao cao su? Nhưng bạn dám chắc rằng bạn biết dùng bao cao su vào thời điểm nào cho đúng cách rồi chứ? Bạn biết rằng uống thuốc tránh thai khẩn cấp sẽ giúp bạn “an toàn”, và nghe ở đâu đó rằng nó vô cùng có hại? Nhưng liệu bạn có biết nó có hại đến mức nào và bạn được dùng tối đa bao nhiêu lần trong 1 năm?

Những sự hiểu biết nửa vời rất dễ mang lại cho chúng ta niềm tin ảo, nên đừng vội vàng trả lời Có với câu hỏi trên và lao vào Sex với mớ kiến thức sai lệch nhé?

  • Cả hai mong muốn điều gì khi SEX?

Yeah, câu hỏi này được đặt ra khi cả hai đã sẵn sàng quan hệ với nhau. Và tất nhiên rất khó để có được sự hoà hợp ngay từ lần đầu tiên. Cả hai nên thẳng thắn trao đổi về mong muốn của bản thân, như việc bạn thấy khó chịu bởi một cử chỉ, lời nói nào đó của đối phương lúc Sex.

  • Nếu có rủi ro, chúng ta sẽ làm gì?

Câu hỏi này, mình nghĩ chúng ta nên hỏi bản thân mình, trước khi hỏi đối phương. Cho dù câu trả lời của người kia là thật lòng hay chỉ là lời nói suông, thì bạn vẫn phải chịu trách nhiệm với cuộc đời của bạn. 

Bạn sẽ như thế nào nếu không may dính phải HIV, giang mai…? Sẽ như thế nào nếu lỡ mang bầu? Và nếu người kia không muốn chịu trách nhiệm thì sao? Liệu hai người kết hôn và sinh con ngay lúc này có gặp trở ngại gì chăng?

Nhưng nếu bạn vẫn cứ muốn “chuyện đến lúc nào lúc đó tính”, hoặc lạc quan rằng: “chắc nó chừa mình ra”, thì thôi vậy!

  • Đó có phải người tốt không? 

Mình mong các bạn không ai phải hỏi câu này. Nhưng đây là điều mà chúng ta đều phải cố gắng tỉnh táo để nhìn nhận. Bạn cho rằng người kia yêu thương chiều chuộng bạn thì là người tốt? Nhưng không, hãy xem cả biểu hiện của người đó trên giường. Nếu người đó không chịu dùng bao cao su (trừ những người bị dị ứng) và dụ dỗ bạn quan hệ tình dục với lời hứa hẹn “không sao đâu”, “bầu thì cưới”…. thì tin mình đi, anh ta là đồ khốn đấy!

Ở chiều ngược lại, các bạn nam cũng nên tỉnh táo với cô gái của bạn. Mình cũng biết không ít trường hợp các bạn nam “cứ ngỡ là gà nhưng hoá ra lại là hạt đậu xanh” đâu!

Bên cạnh đó, việc đối phương chỉ muốn làm theo ý của bản thân mà không quan tâm cảm nhận của bạn cũng chứng tỏ đó không phải là người tốt đẹp gì cho cam.

3. Trong câu chuyện này, mình mong tất cả trong số chúng ta đều hiểu rằng:

  • Ham muốn SEX hay không muốn SEX không có gì là sai trái cả.

SEX là nhu cầu của con người, đơn giản vậy mà thôi. Tất nhiên, nhu cầu ấy khi đi kèm cảm xúc thì sẽ trở nên thăng hoa hơn. Và vì chúng ta là con người, không thể để phần con lấn át phần người, nên SEX cần phải có một giới hạn của nó. Không thể dùng hai chữ “nhu cầu” để thanh minh cho những hành vi sai trái như ngoại tình, hiếp dâm…

Mặt khác, không muốn SEX cũng là mong muốn của con người. Khi bạn chưa sẵn sàng thì không cần ép bản thân phải SEX. Khi đối phương chưa sẵn sàng thì bạn cũng không có quyền ép buộc.

Một mối quan hệ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau. Nếu không thể dung hoà thì đó hẳn không phải là một mối quan hệ tốt.

  • Nói về SEX không có gì là xấu cả.

Chúng ta thường ngại ngùng khi trao đổi hay tìm hiểu về SEX. Những rõ ràng sự hiểu biết này tốt cho chúng ta. Nếu ai đó có định kiến về việc này, thì đó là lỗi của họ, không phải của bạn.

Việc người khác chê cười hay thêm dăm ba câu cà khịa cũng sẽ không khiến bạn tệ đi, và cũng chẳng thể bảo vệ bạn. Bởi Sex là nhu cầu của con người, và bảo vệ bản thân cũng là một điều thiết yếu, nên hãy mạnh dạn tìm hiểu. Người khác lạc hậu, thì kệ họ thôi!

  • Hiểu biết, trước hết là sự AN TOÀN

Trước khi tìm hiểu để được thăng hoa hơn, hãy nghĩ rằng bạn đang tìm sự an toàn. Chắc hẳn không ai muốn có con khi chưa kịp chuẩn bị điều gì, hay vô tình mắc các căn bệnh liên quan đến tình dục …. Ngay cả khi những sự cố không mong muốn xảy ra, kiến thức cũng sẽ giúp bạn khắc phục hậu quả!

Đừng nghĩ là “chắc nó chừa mình ra”. Bạn không “may mắn” đến thế đâu!

Bảo vệ bản thân là trên hết!

  • ĐỪNG SEX KHI KHÔNG DÁM CHỊU TRÁCH NHIỆM

Bạn biết đấy, bất kì biện pháp an toàn nào cũng sẽ có những % rủi ro nhất định. Trách nhiệm này có thể từ việc bạn mang thai, mắc các bệnh thông qua đường tình dục, thậm chí khó sinh con, vô sinh …

Liệu lúc này, bạn đủ kiến thức và tâm lý để chịu trách nhiệm với cuộc đời mình, và thậm chí là cuộc đời khác chưa? Nếu bạn không thể chịu trách nhiệm, thì ai sẽ là người gánh vác thay bạn? Bố mẹ ư, hay xã hội? 

4. Bạn có thể tìm hiểu kiến thức về SEX ở đâu?

  • Google

Dĩ nhiên rồi, Google là một kho thông tin và kiến thức khổng lồ nơi bạn có tìm hiểu tất tần tật mọi thứ. Nhưng bạn biết đấy, hiện nay cũng có nhiều chuyên gia online ngồi gõ phím lắm nên hãy chọn những nguồn thông tin thật sự chất lượng! Và tốt nhất là đọc từ nhiều nguồn khác nhau, nếu giữa chúng có mâu thuẫn thì hãy nhớ xác minh lại nhé.

Google tất nhiên là một công cụ tìm kiếm thông tin hữu hiệu, nên bạn cứ thoải mái mà tìm qua keyword. 

  • Facebook

Trên FB trước đây có một group khá là hay, tên là Chào cờ, chào! Group bây giờ đã ngừng hoạt động nhưng thông tin thì vẫn còn đó, nên bạn hoàn toàn có thể vào đó để đọc nhé. Hai admin chính của group này là Tizi – Đích Lép, trang riêng của họ cũng có khá nhiều kiến thức bổ ích đó!

Link group Chào cờ, chào! 

→ https://www.facebook.com/groups/325472444588130

Group Chào cờ, chào! của cặp đôi Tizi – Đích Lép!
  • Spiderum

Spiderum là một diễn đàn có nhiều thông tin thú vị và bổ ích. Mình là khách quen của Spiderum đã vài năm nay!

Ngoài ra, ở Spiderum cũng có những bài viết rất hay về Sex. Mọi người có thể tìm trang của chị Gấu SP nhé!

Link: https://spiderum.com/nguoi-dung/Gausp

  • Một số nơi khác như Instagram, Tiktok mình cũng thấy có nhiều người nói về chủ đề này, nhưng mình chưa tìm được chỗ nào chất lượng, nên nếu có mình sẽ cập nhật nhé!

Thật mong rằng bài viết này có thể gợi mở cho bạn một chút gì đó! Và cũng mong chúng ta sớm được gặp lại nhau bằng một bài viết về chủ đề này!

[1] https://rg.link/WCJAAzs

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *